Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Báo động “gián điệp mạng”


 - Không chỉ nhằm mục đích phá hoại hay ăn cắp thông tin cá nhân kiếm lời... tin tặc đang chuyển sang đánh cắp các bí mật khoa học, công nghệ và thương mại.


Các nhân viên an ninh mạng của Chính phủ Mỹ đang trao đổi để điều tra một vụ tấn công mạng
Kết quả nghiên cứu về xu hướng an ninh công nghệ cao công bố ngày 16-4, hãng Symatec cho biết, số lượng các vụ tấn công mạng năm 2012 đã tăng 42% so với năm 2011. Trong đó, hãng bảo mật lớn nhất thế giới này đặc biệt lưu ý những doanh nghiệp nhỏ có số nhân viên dưới 250 người là đối tượng chịu số vụ tấn công mạng tăng nhanh nhất.

Trong số 96 triệu vụ tấn công mạng được ghi nhận trên toàn thế giới năm 2012, số vụ ở các doanh nghiệp nhỏ chiếm tới 31%, tăng 18% so với năm 2011. Kết quả nghiên cứu của Symantec cũng cho thấy, dạng thông tin bị tin tặc tấn công cũng đang thay đổi mà theo đó thông tin tài chính đang dần “nhường chỗ” cho các loại số liệu cạnh tranh, trong đó có bản quyền trí tuệ.

Các chuyên gia của Symatec cho biết, nếu như tin tặc truyền thống trước đây thường tìm cách đánh cắp các thông tin cá nhân để kiếm lời, thì nay đang xuất hiện loại tội phạm mạng mới với động cơ gián điệp tập thể. Song các chuyên gia bảo mật hiện chưa thể làm rõ kẻ nào đứng sau các vụ tấn công có mục đích gián điệp.
Kết quả nghiên cứu của hãng bảo mật Symatec được đưa ra trong lúc nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới vừa liên tục lên tiếng cảnh báo về sự gia tăng bất thường của gián điệp khoa học, công nghệ và thương mại trên mạng. Thứ gián điệp công nghệ cao này được xem gây những mối nguy hiểm và tác hại, tổn thất không kém gì gián điệp truyền thống “bằng xương bằng thịt”.

Số liệu của Mỹ cho thấy, các doanh nghiệp nước này đã thiệt hại hơn 300 tỷ USD trong năm 2012 do các vụ đánh cắp bí mật thương mại, mà phần lớn được thực hiện bởi các gián điệp trên mạng có xuất xứ từ Trung Quốc. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder nêu rõ: “Chỉ cần mất một bí mật thương mại cũng đủ làm thiệt hại hàng triệu hoặc hàng tỷ USD. Công ty bị mất cắp buộc phải sa thải nhân viên, đóng cửa nhà máy, mất khách, mất lợi nhuận, mất sức cạnh tranh, thậm chí phải đóng cửa”.

Văn phòng Nội các Anh ngày 11-4 cho biết, tội phạm mạng đã làm nước này thiệt hại tới 27 tỷ bảng (khoảng 43 tỷ USD) mỗi năm. Trong khi Tổng Giám đốc Cơ quan tình báo nội địa Anh (MI5) Jonathan Evans cảnh báo, các trường đại học của Anh hiện đang trở thành mục tiêu của tội phạm mạng vì các máy chủ của các trường này có thể chứa những thông tin mới nhất về những dự án nghiên cứu hàng đầu thế giới.

Để chống gián điệp mạng, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama triển khai chiến lược mới nhằm ngăn chặn tình trạng đánh cắp bí mật thương mại ngày càng nghiêm trọng. Trong khi đó Quốc hội Mỹ cũng đồng thời thông qua dự luật có điều khoản kiểm soát chặt chẽ để hạn chế các cơ quan liên bang Mỹ mua các sản phẩm công nghệ thông tin (IT) của Trung Quốc nhằm ngăn chặn nguy cơ tình báo mạng và các cuộc tấn công mạng có xuất xứ từ Trung Quốc.

Liên minh châu Âu (EU) cũng thông qua dự luật mới quy định các nước thành viên liên minh phải thành lập hệ thống giám sát cho các công ty có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, đồng thời yêu cầu hàng chục nghìn công ty, tổ chức quan trọng phải  thông báo với nhà chức trách trong trường hợp máy tính của họ bị tin tặc tấn công.

Nguyễn Thu Hương

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More